Cho nhập vàng: Biện pháp đúng nhưng hành động chậm

 

'Ngân hàng Nhà nước không nhượng bộ thị trường vàng' / Giải mã ‘cơn điên’ giá vàng

- Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng phi mã trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Đây là một chủ trương đúng nhưng vấn đề là áp dụng trong điều kiện, bối cảnh cụ thể như thế nào cho phù hợp. Hiện nay, giá vàng trong nước tăng rất mạnh do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là vì giá thế giới tăng cao, điều này là bất khả kháng. Nguyên nhân thứ hai là do tỷ giá và các chi phí liên quan đến việc nhập vàng. Thứ ba là yếu tố tâm lý.

Ông Cao Sỹ Kiêm:
Ông Cao Sỹ Kiêm: "BIện pháp can thiệp là đúng nhưng chưa kịp thời". Ảnh: H.L

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản đang có xu hướng giảm, mối quan tâm của nhà đầu tư có phần chuyển hướng sang vàng. Điều này cộng với việc nguồn cung vàng hạn chế góp phần làm cho thị trường vàng thêm căng thẳng.

Theo tôi, việc giải quyết sự căng thẳng trên thị trường vàng cần tập trung vào vấn đề tâm lý. Nếu minh bạch hơn về thông tin, giúp người dân hiểu rõ tình hình thì họ sẽ không còn đổ xô đi mua bán trong thời điểm sốt vàng nữa và thị trường sẽ bớt nóng.

- Thời điểm Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cấp quota nhập vàng bao giờ cũng trùng với lúc giá vàng trong nước tăng phi mã và cao hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới. Ông thấy gì từ động thái can thiệp thị trường này?

- Điều hành bao giờ cũng phải có phán đoán, dự báo đi trước một bước để có thể đưa ra các biện pháp đón đầu, làm tình hình bớt căng thẳng trước khi thị trường quá nóng. Còn khi sự việc đã xảy ra rồi thì tác dụng xử lý của các biện pháp can thiệp cũng hạn chế hơn. Tôi cho rằng, các biện pháp can thiệp là đúng nhưng chưa kịp thời.

- Phải chăng điều này là do các dự báo của chưa sát nên thời điểm can thiệp chậm?

- Phân tích và dự báo có thể khó mà chính xác được nhưng quan trọng khi hành động phải nhanh để tác động lên tâm lý của thị trường. Nhiều khi giải quyết được vấn đề tâm lý là yếu tố mang tính quyết định.

Nhiều thành viên trên thị trường sẽ nhìn vào hành động của cơ quan quản lý để đưa ra quyết định, đặc biệt là những nhà đầu cơ. Nếu họ cho rằng cơ quan quản lý sẽ hành động thì việc đầu cơ là không có lợi nên sẽ bán ra. Còn trong trường hợp nhà đầu cơ đoán là nói nhưng không có khả năng thực thi, nói nhiều làm ít, hoặc nói lâu lâu mới làm thì họ sẽ lợi dụng để tiếp tục đẩy giá lên cao. Còn khi sự việc đã xảy ra rồi mà biện pháp đưa ra không kịp thời và đủ liều lượng thì sẽ khó giải quyết tình hình mà còn lòng làm tin bị suy giảm.

- Mới đây, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có dự định kiến nghị Chính phủ cho nới lỏng các quy định về huy động và cho vay vàng miếng đối với các ngân hàng để thu hút nguồn vốn vàng nhãn rỗi trong dân vào nhà băng. Điều này có hợp lý không khi trước đó Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư hạn chế bớt nghiệp vụ này?

- Trong lúc nguồn cung về vàng đang khó khăn thế này, mà nguyên nhân cũng do chủ quan của ta thì đề xuất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia rất đáng xem xét. Việc giảm huy động và cho vay vàng là đúng nhưng lộ trình cần mềm dẻo hơn để tránh làm cho thị trường thêm quá căng thẳng trong giai đoạn hiện nay.

Hoàng Ly


 


Giày Đại Phát solution
Số người online:
11828
Số người truy cập:
11934284