“Chọc thủng” mức 53.000đ/kg, giá lợn hơi dự báo vẫn rẻ bèo

 “Mức giá trên 50 là cao bất thường”

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 11.7, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - bày tỏ lo ngại khi giá lợn hơi từ gần 2 tháng nay đã tăng cao và đến tuần đầu của tháng 7.2018 đã vượt mức 50.000 - 51.000đ/kg (phía Nam) và 52.000 - 53.000đ/kg (các tỉnh phía Bắc).

Nguyên nhân nào đã khiến giá lợn hơi tăng cao một cách bất thường, dù nguồn cung không thiếu? Khảo sát tại một số chợ, PV được biết, hiện, lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc dù không dồi dào như hồi cuối năm 2017, nhưng hoàn toàn không thiếu. Một số trang trại tuy có giảm đàn, nhưng vẫn ở mức hàng nghìn con/trang trại, đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là trong gia đoạn hiện nay, tình trạng nắng nóng khiến mức tiêu thụ thịt lợn giảm khoảng 20 - 30%.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đều ngầm nêu ý kiến về “bàn tay ma thuật” nào đó đang ngầm chi phối thị trường thịt lợn và sự o ép, làm giá của DN là có thật, bởi các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi này đã chịu lỗ một thời gian dài để ép giá lợn xuống sát mức đáy trong vòng hơn 1 năm đến mức các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chịu nổi bị phá sản, và hiện tại đây là thời điểm để họ đẩy giá lợn lên cao bù lỗ.

Lợn hơi hoàn toàn không thiếu, các Cty lớn như CP, Masan, Hòa Phát, Dabaco… có hàng chục nghìn con đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng tiếc rằng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “chết”, không thể cầm cự để hưởng lợi khi giá lợn được đẩy lên cao” - một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi nêu ý kiến.

Theo TS Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam - nhiều trang trại chăn nuôi lớn, các Cty chăn nuôi lợn đặc biệt là các DN FDI có lãi khá, giúp bù đắp một phần khoản thua lỗ rất lớn suốt thời gian thua lỗ trước đó. Song, cũng thật tiếc vì những người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ thì không thu lợi được nhiều trong đợt tăng giá vừa rồi, vì trước đó họ đã không còn sức duy trì đàn nên phải giảm đàn quá nhiều để cắt lỗ. Cũng có nhiều hộ phải treo chuồng, khi giá lên thì không còn lợn để bán.

Nguy cơ thịt lợn ngoại tràn vào chèn ép ngành chăn nuôi trong nước

Theo TS Đoàn Xuân Trúc, giá lợn hơi trong nước tăng cao đã khiến người tiêu dùng cân nhắc lại mức chi tiêu vào loại thực phẩm này, chuyển sang các loại thực phẩm khác. “Chớp” hội này, các thương lái đã nhanh chóng “đánh lợn” từ Trung Quốc về Việt Nam bởi mức chênh lệch khá hấp dẫn.

“Giá thịt lợn của Việt Nam tăng cao như vậy, giá lợn của Trung Quốc lại đang thời kỳ giảm, thấp hơn khoảng 10.000-12.000đ/kg so với gia lợn hơi của Việt Nam, tạo cơ hội để lợn sống, sản phẩm thịt lợn của Trung Quốc có thể thẩm lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, qua các lối mòn, lối mở, kể cả tình trạng khá nhiều dân hàng ngày cắp lợn sang bán ở chợ đường biên. Dù chúng ta cố gắng làm tốt nhất khâu kiểm soát dọc đường biên cũng không thể ngăn triệt để, mối nguy cơ dịch bệnh tràn sang ngày càng cao” - TS Đoàn Xuân Trúc trả lời báo chí.

Như vậy, chúng ta có thể hình dung, khi thịt lợn ngoại đông lạnh với mức giá chỉ bằng 1/2 tràn vào Việt Nam, ngành chăn nuôi lợn sẽ đi về đâu. TS Đoàn Xuân Trúc cũng khuyến nghị: Thị trường chăn nuôi lợn nước ta luôn chịu ảnh hưởng của thị trường quốc tế và yếu tố biên mậu, đặc biệt là những biến động thị trường của ngành lợn Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhanh và trực tiếp đến ngành chăn nuôi lợn nước ta.

Khi đàm phán XNK chưa xong, lợn không đi qua cửa khẩu, song sẽ “vượt biên qua những lối mòn, lối mở vào nước ta. Điều này, chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nhưng cái nguy hiểm nhất đó là sẽ đưa các bệnh vào Việt Nam như: lở mồm long móng, hen suyễn, rối loạn hô hấp, sinh sản…”-TS Đoàn Xuân Trúc cho biết.

Hiện tại, giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao, trong khi thế giới, đặc biệt là các nước lân cận thấp nên nguy cơ thịt ngoại sẽ tràn vào VN, nhất là đường tiểu ngạch. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ vào VN đã tăng tới 50% về lượng trong tháng 5. Tiếp theo đó là Ấn Độ, chiếm 11,5% thị phần và tăng trưởng trong tháng 5 tới 80% về lượng và 81% về giá trị so với tháng 4.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 113.000 tấn, trị giá 178 triệu USD. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các mặt hàng trong đó có thịt lợn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn, bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, Mỹ là quốc gia XK thịt lớn nhất thế giới đang gặp khó về đầu ra: Trung Quốc và Mexico là 2 nước khẩu thịt lớn nhất của Mỹ đánh thuế mạnh vào mặt hàng thịt lợn của Mỹ.

Tổng mức thuế mà Trung Quốc áp lên thịt lợn của Mỹ đến 71% (chưa bao gồm thuế GTGT); Mexico cũng tăng 20% thuế NK thịt lợn từ Mỹ, nên VN sẽ trở thành thị trường tiềm năng để các DN của Mỹ đẩy mạnh XK thịt lợn sang nước ta.

Giám đốc 1 DN kinh doanh thực phẩm cho biết, dù thịt lợn của Mỹ NK vào Việt Nam phải chịu mức thuế 25%, thì giá thịt lợn của Mỹ khi vào VN cũng chỉ mới ở mức 34.000 - 35.000đ/kg, nếu cộng tất cả các chi phí cũng chỉ ở mức 50.000đ/kg.

Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị của nước ta dao động từ 70.000-110.000đ/kg, mức chênh lệch này quá hấp dẫn để có thể cản được thịt lợn ngoại tràn vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, trong tương lai, Việt Nam có thể là “trạm trung chuyển” để các nhà NK né thuế khi nhập thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc.

“Giá heo tại Việt Nam chỉ ở mức cao như hiện nay trong 1 thời gian, trong thời gian ngắn khi heo nước ngoài vào Việt Nam, giá heo trong nước lại rẻ bèo khi cung-cầu được cân đối” - ông Nguyễn Trí Công khẳng định.  

Khánh Vũ

LAO ĐỘNG


Giày Đại Phát solution
Số người online:
2312
Số người truy cập:
4761476