Cuộc thưởng trà của tỷ phú Bill Gates trên đỉnh Bàn Cờ

 Chiều muộn ngày 6/3, tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà hạn chế khách tham quan với lý do "dành không gian riêng tư" cho một đoàn khách đặc biệt đến buổi thiền trà của nghệ nhân trà Việt, Hoàng Anh Sướng, trên đỉnh Bàn Cờ, nơi cao 700 m so với mực nước biển. Hai ngày trước, hai trợ lý của ông Gates đã bay ra Hà Nội, đến nhà nghệ nhân để trao đổi từng chi tiết về buổi thiền trà.

Nghệ nhân Sướng, với hơn 20 năm tổ chức hàng nghìn buổi thiền trà, có mặt trên đỉnh Bàn Cờ từ sớm và mang theo hai bộ trà cổ mà ông thường biểu diễn cho các nguyên thủ quốc gia và loại trà sen và shan tuyết cổ thụ vùng cao Hà Giang để thiết đãi khách.

Hai nhân viên khiêng bộ trường kỷ vượt hàng trăm bậc thang đá lên đỉnh Bàn Cờ. Trong văn hóa Việt Nam, nhất là tầng lớp phong lưu xưa, khi uống trà một là ngồi sập gụ, hai là ngồi trên trường kỷ. Bộ bàn được đặt cạnh bàn cờ ông tiên, phía dưới là thành phố được phủ một lớp sương huyền ảo như chốn bồng lai.

17h, tỷ phú Bill Gates và bạn gái đến núi Bàn Cờ. Họ cùng nhau chậm rãi đi bộ lên đỉnh, trong khi quản lý và các vệ sĩ ở lại bãi đỗ xe. Trên đỉnh Bàn Cờ thưởng trà hôm đó có ông Gates, bạn gái, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, một sư cô người Đà Nẵng và hai người phục vụ.

Nghệ nhân trà Việt Hoàng Anh Sướng (bên phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng tỷ phú Bill Gates và bạn gái sau buổi thiền trà trên đỉnh Bàn Cờ. Ảnh: Facebook Hoàng Anh Sướng

Lần đầu gặp tỷ phú Bill Gates, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng kể với VnExpress ông bất ngờ với phong cách giản dị của hai người. Họ mặc áo phông, quần jean, giầy thể thao như những vị khách bình thường, hợp với khung cảnh thưởng trà giữa thiên nhiên.

Nghệ nhân Sướng chào đón và hướng dẫn hai ông bà cách ngồi thiền, với sự hỗ trợ của một sư cô người Đà Nẵng vì "người phương Tây bây giờ rất quan tâm đến thiền". Âm thanh từ chiếc chuông nhỏ vang lên giữa núi rừng khiến đỉnh Bàn Cờ yên bình đến độ nghệ nhân Sướng miêu tả "có thể nghe rõ hơi thở của Bill Gates".

Sau 10 phút thiền để tạo năng lượng bình an, nghệ nhân Sướng pha hai loại trà Tân Cương ướp hoa sen mời khách. "Chén trà đầu tiên tôi dâng mời, ông Bill Gates và bà Paula Hurd uống cạn rất nhanh. Tôi hỏi ông bà trà có đậm quá không vì hầu hết người phương Tây quen uống trà đen, vị nhạt, trong khi trà Tân Cương sẽ thường có vị chát thì nhận được câu trả lời 'rất ngon'. Bà Paula Hurd như đọc được suy nghĩ của tôi nên giải thích rằng ở nhà bà cũng hay uống trà xanh", ông Sướng kể.

Ông Bill Gates và bạn gái cũng "ồ lên ngạc nhiên" khi nghe nghệ nhân Sướng chia sẻ nghệ thuật ướp trà sen rất cầu kỳ, tinh tế, công phu của người Hà Nội. Muốn ướp một cân trà sen phải ướp từ 5-7 lần. Mỗi lần dùng khoảng 200 bông sen Hồ Tây nên để có được một cân trà sen thơm ngon, cần đến 1.000-1.200 bông hoa sen.

"Bà Paulala Hurd bảo bây giờ mới hiểu vì sao trà sen lại quý như vậy. Bà cũng quay sang phía ông Bill Gates nói đùa rằng em với anh bây giờ trở thành ông hoàng, bà chúa rồi đấy!", ông Sướng kể thêm.

Cảm nhận hai vị khách thích thú với trà Việt, nghệ nhân Sướng dành thời gian nói về cách pha trà và thưởng trà của tầng lớp phong lưu xưa, giới thiệu dụng cụ pha trà, cách chọn ấm, chén, nước, cách pha, rót và cách mời hay cách thưởng thức ngụm trà đầu tiên ngậm trong miệng 5-6 giây, sau đó mím môi nuốt khẽ khàng để cảm nhận hương thơm của trà. Còn uống trà "ực hết" được gọi là ngưu ẩm.

"Ông Bill Gates nghe thế, quay sang cười và nói với bạn gái 'hóa ra từ trước đến nay chúng ta toàn uống trà theo kiểu ngưu ẩm'", ông Sướng nói.

Nghệ nhân Sướng cũng dành thời gian giới thiệu về lịch sử trà Việt Nam, cái nôi trà cổ thế giới cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka. Ông cũng cho Bill Gates xem hình ảnh về cánh rừng cổ thụ bạt ngàn trên các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, với những cây trà tuổi đời 500-600 năm, trong đó có 3 cây cao đến 8 m, đường kính 3 người ôm trước sự ngạc nhiên của ông Bill Gates. Ông Gates kể từng uống trà ở Thái Lan và nghĩ trà Thái xuất hiện sớm hơn trà Việt.

Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng sửa soạn bàn trà chờ tỷ phú Bill Gates và bạn gái đến thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ, chiều 6/3. Ảnh: NVCC

Nghệ nhân Sướng cũng giải thích với họ người Việt Nam uống trà hay chọn không gian yên tĩnh. Các bậc cao nhân xưa thường hay lên núi, hoặc vào thư phòng của mình. Trong không gian tĩnh lặng, con người có thể mở lòng và khi đó chính là cơ hội để hiểu mình. Hiểu mình là nền tảng để hiểu được người khác.

"Tôi chia sẻ với ông bà nền tảng và căn cốt của trà đạo là vấn đề hiểu. Khi hiểu nhau rồi thì tình thương mới là tình thương đích thực", ông Sướng nói. Họ đã rất thích thú lắng nghe.

Nghệ nhân trà Việt cũng giới thiệu uống trà là truyền thống lâu đời của người Việt. Từ xa xưa sau bữa cơm tối ông bà, bố mẹ và con cái ngồi quây quần uống trà, nhờ đó mà tình thương, sự gắn kết rất chặt chẽ. Còn bây giờ chén trà đã vắng bóng trong nhiều gia đình. Ông cũng giải thích với thiền trà, trà không chỉ là thưởng thức mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Trà trở thành sứ giả của hòa bình, sứ giả của tình yêu thương.

Quang cảnh buổi thiền trà trên đỉnh Bàn Cờ, chiều 6/3. Ảnh: NVCC

"Khi tôi nói về tình yêu thương, hai ông bà đã thể hiện tình yêu thương ngay trước mặt những người chứng kiến. Điều đó khiến tôi rất vui", ông Sướng chia sẻ.

Họ say sưa nói chuyện về trà đến "quên cả xem đồng hồ vì theo lịch trình buổi trà đạo diễn ra trong một tiếng". Nhìn đồng hồ thấy đã quá giờ 20 phút, trời tối đen vì trên đỉnh Bàn Cờ không có điện, nghệ nhân Sướng chủ động kết thúc buổi đàm đạo. Trước lúc xuống núi, họ cùng sư cô thỉnh mấy tiếng chuông để cầu nguyện bình an, hạnh phúc. Nghệ nhân Sướng cảm nhận được sự bình an đến với tỷ phú và bạn gái. Họ nói sẽ quay lại Việt Nam cùng với gia đình.

Nguyễn Đông


Giày Đại Phát solution
Số người online:
991
Số người truy cập:
4760431