Doanh nghiệp hàng tiêu dùng, đồ gỗ dồi dào đơn hàng xuất khẩu

 Chia sẻ với VnExpress, bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây - cho biết những tháng đầu năm, đơn hàng công ty bà dồn dập. Dù hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng nên công ty phải mở rộng quy mô.

"Ngoài phục vụ thị trường nội địa, năm nay các đơn hàng xuất khẩu tăng 2 con số những tháng đầu năm", bà Giàu nói và cho rằng bún, miến, phở của doanh nghiệp được thị trường Mỹ, Canada rất ưa chuộng.

Lãnh đạo Công ty da giày Catlongs cho biết đã bắt đầu làm việc lại sau Tết từ sớm vì đơn hàng dồi dào. Công ty đã nhận đơn hàng đến tháng 8. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu quý I ở mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I năm ngoái, doanh nghiệp tăng trưởng âm.

"Thị trường Đức, Brazil có sức tăng trưởng mạnh nhất, trong đó, giày thể thao được đặt với số lượng lớn", lãnh đạo Catlongs nói.

Dây truyền sản xuất phở của Bình Tây Food. Ảnh: Bình Tây Food

Tương tự, doanh nghiệp đồ gỗ năm nay cũng khởi sắc hơn so với cùng kỳ 2023. Ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc công ty Danh Mộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), cho biết tháng 1, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái và đang trên đà tăng. Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, doanh số xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng bình quân 3-5%.

Theo ông, với 1,5 tỷ USD một tháng và tăng mạnh từ tháng 4, Việt Nam có thể đạt 17 tỷ USD năm nay. Mỹ vẫn là thị trường chính của Việt Nam nhưng đang có các thị trường mới tăng mạnh như Ấn Độ (trên 200%). Các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng từ khu vực Trung Đông cũng đang có nhu cầu mua hàng Việt Nam.

"Quý I, công ty tôi dự báo doanh thu tăng khoảng 10%, còn mức tăng bình quân của các doanh nghiệp trong hiệp hội tới 15%", ông Phương nói.

Khảo sát nhanh của Sở Công Thương TP HCM, ngay sau Tết, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất xuất khẩu, tỷ lệ lao động trở lại làm việc trên 90%.

Nói tại họp báo đầu năm ngày 22/2, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM đánh giá giai đoạn khó khăn đơn hàng nhất đã qua. Tín hiệu lạc quan những tháng đầu năm là tình hình sản xuất và thương mại dịch vụ tăng trưởng. Dệt may, da giày, đồ gỗ là nhóm khó khăn nhất cũng đã có đơn hàng. Một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng 6 tháng đầu năm hoặc nguyên năm.

"Với các tín hiệu tích cực, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng quý I thấp nhất 5%", ông Vũ nói.

Theo thống kê của thành phố, trong tháng một, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 26,9%, thương mại nội địa tăng 15,5% và kim ngạch xuất khẩu tăng 23,3%.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng xuất khẩu của TP HCM đang chuyển mình. Để thúc đẩy tăng trưởng, Sở đang cùng các cơ quan liên quan đang lên nhiều kế hoạch giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% trong năm nay, theo ông Vũ, có ba trụ cột xuyên suốt năm cần ưu tiên thực hiện là hoạt động sản xuất xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh đầu tư công.

Theo ông Vũ, để thúc đẩy phát triển kinh tế TP HCM, nhà chức trách đang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp từ những ngày đầu năm. Dự kiến từ đây đến cuối năm, sở có khoảng 17 hoạt động, sự kiện chính xúc tiến, trong đó có 11 hội chợ triển lãm.

Cuối tháng 2, Bộ Công Thương tổ chức Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam 2024 (VIATT 2024) từ 28/2-1/3. Tiếp đến, tháng 5, TP HCM sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu lần hai trong tháng từ ngày 8/5 đến ngày 11/5 tại SECC (TP HCM). Đây sẽ là nơi tạo cơ hội và là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đoàn mua hàng quốc tế.

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1519
Số người truy cập:
4761483