'Hồi ức Đỗ Duy Liên' - khi tình yêu thành sức mạnh

 Tác phẩm được Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 4, do nhiều tác giả chấp bút. Sau khi nghỉ hưu, năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết trang đầu tiên của hồi ức. Về sau, các con của bà tìm thấy các tập bản thảo khi dọn phòng, từ đó hoàn thành những phần còn lại dựa vào lời kể của Đỗ Duy Liên lúc còn tỉnh táo (hiện trí nhớ của bà đã suy giảm do tuổi già), kết hợp cảm nhận riêng và những bài bà viết trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu.

Sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ dài 360 trang. Ảnh: NXB cung cấp

Đỗ Duy Liên sinh ra trong gia đình công chức khá giả. Trên bước đường trưởng thành, bà đã tham gia cách mạng cho đến gần hết cuộc đời, gắn bó với mảnh đất phương Nam. Trong suốt gần một thế kỷ, giữa nhiều biến động thời cuộc, bà vẫn kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, nữ chiến sĩ trong thời chiến và một cán bộ trong thời bình.

Cội nguồn sức mạnh của Đỗ Duy Liên chính là tình yêu thương. Tình thương của bà với người chồng mất sớm kéo dài đến vài chục năm sau. Tình yêu của bà đối với con ruột và các liệt sĩ ở trường Lý Tự Trọng - những người gọi bà là "má Tư". Tình thương với những số phận kém may mắn bởi bà "rất thích làm việc ân nghĩa, đem lại điều vui tươi cho mọi người". Cuối cùng là tình yêu nước giúp bà đứng vững trong những thời khắc khó khăn ở thời chiến, hoàn thành nhiều công việc quan trọng trong thời bình.

Hồi ức Đỗ Duy Liên - cuộc đời của mẹ gồm bốn phần chính. Phần một kể về tuổi thơ, quá trình trưởng thành và tham gia kháng chiến của Đỗ Duy Liên. Bà đảm nhiệm những công việc quan trọng và nguy hiểm. Dù bị bắt bốn lần, ngồi tù hai lần, bị tra tấn nhưng không gì có thể khiến bà suy suyển.

Phần hai là những lá thư bà viết cho chồng với đầy sự nữ tính và yêu thương. Chồng bà hy sinh năm 1968 tại Bến Cát, Bình Dương. Hàng năm, bà đều đặn viết thư kể cho ông về gia đình, nỗi nhớ. Những lá thư sau hàng chục năm vẫn tràn ngập tình yêu.

Ngày giỗ chồng lần thứ 35, năm 2003, bà viết: "Em cứ chờ hoài, trong một giấc ngủ nào thấy được hình bóng của anh, một người đàn ông cao, gầy, mặt đẹp, nhẹ nhàng đến bên em - em chỉ chờ một câu thôi 'Liên ơi, anh yêu em', thế là đủ rồi. Cứ ước mơ hão huyền, có cặp vợ chồng già, đẹp đôi và cứ quấn quýt bên nhau. Ôi vui biết mấy phải không anh. Nhận được thư này anh phải trả lời nhé, trong giấc mơ là đủ rồi, nói với em một tiếng rằng 'Em ơi! Anh yêu em'. Thế là em mãn nguyện lắm rồi".

Sách có nhiều ảnh phụ lục ảnh. Ảnh: NXB cung cấp

Phần ba gồm hồi ức của các con Liên Hoan, Thái Hỷ, Duy Hiệp về Đỗ Duy Liên. Họ đã dùng trí nhớ và những tham khảo từ đồng chí, đồng nghiệp của mẹ cùng các tư liệu liên quan để viết bổ túc.

Phần bốn là cảm nghĩ của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân về bà. Ông Nguyễn Thọ Chân (Sáu Khanh) - Nguyên Bộ trưởng Lao động - nhớ lại thời kỳ cùng bị giam trong tù: "Mặc dù bị địch đánh, tra tấn dã man, tuổi còn trẻ, nhưng chị Duy Liên rất kiên cường, chịu đựng rất giỏi, rất lạc quan và tham gia các hoạt động trong khám - từ dạy văn hóa, tuyên truyền, làm báo đến đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc".

Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước - nhận định những dòng hồi ức chân thực và xúc động, phản ảnh rất đúng về con người Duy Liên - một cán bộ năng nổ, đầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm, luôn sáng tạo và có phần táo bạo trong công tác; một người bạn sống giản dị, tình nghĩa, một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng, vì con.

"Trong sự nghiệp của mình, Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn - TP HCM. Cuộc đời Đỗ Duy Liên là một tấm gương của người phụ nữ đã kiên cường vượt qua bao thách thức, gian khó của cuộc kháng chiến, những bỡ ngỡ ban đầu thời hậu chiến và nỗi mất mát không thể nói nên lời - người mẹ xa con trong thời gian dài, người vợ có chồng hy sinh khi còn khá trẻ - để làm tốt nhất nghĩa vụ với đất nước, với gia đình", bà Nguyễn Thị Bình nói.

Đỗ Duy Liên sinh năm 1927, là Giám đốc đầu tiên của Sở Thương binh và Xã hội, về sau là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM phụ trách Văn-Xã (hai nhiệm kỳ 1980-1989). Bà là người chủ trì phát hành số đầu tiên báo Phụ nữ Sài Gòn (tiền thân của báo Phụ nữ TP HCM), đặt nền móng cho Hội bảo trợ Bệnh viện miễn phí thành phố (sau là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM), Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP HCM.

Thanh Giang


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3590
Số người truy cập:
4765582