Cây xăng gần chợ Bến Thành, TP HCM, 15h30 chiều (thời điểm ấn định giá xăng thay đổi), các nhân viên đã nhanh chóng thay biển báo giá ngay lập tức. Để tránh sự xáo trộn, chủ cửa hàng này cũng ra tận nơi thông báo cho khách biết giá đã thay đổi.
Cách đó ba ngã tư, do chưa kịp điều chỉnh trên bảng báo giá nên nhân viên bán hàng của trạm xăng góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh (quận 1) buộc phải vừa thu tiền vừa báo cho khách hàng biết giá xăng mới tăng.
Phải đến 15h45, cây xăng tại giao lộ Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, quận 5, mới lục đục thay biển giá xăng A92 từ 11.000 đồng thành 11.500 đồng. Các trụ bơm khác tại đây cũng nhanh chóng điều chỉnh trên bảng điện tử. Tuy nhiên, họ đã bán với giá mới đúng thời điểm được phép tăng.
"Giá xăng lên ít nên cũng không tiếc lắm khi đổ xăng trễ", một khách hàng ở cây xăng góc đường Ký Con - Trần Hưng Đạo, cho biết. Một số trạm xăng khác trên địa bàn quận 1, 3, 5, lượng khách vào mua cũng bình thường như trước thời điểm xăng lên giá.
![]() |
Đợt tăng giá xăng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Nhật Minh. |
Tại cây xăng trên đường Khâm Thiên, Hà Nội, lúc 16h chiều, người dân qua lại đổ xăng bình thường, chẳng mấy người thắc mắc khi giá bán đột ngột thay đổi. Chị Quỳnh Mỹ, một khách hàng mua xăng, cho hay mấy ngày nay chị đã nghe báo chí đưa tin dầu thế giới tăng nên chị ngầm hiểu rằng kiểu gì giá bán lẻ trong nước cũng được điều chỉnh. “Sau nhiều lần thót tim trước sự lên xuống bất ngờ với giá xăng dầu hồi năm ngoái nên giờ mình "miễn dịch" rồi”, chị nói với VnExpress.net.
Còn anh Hùng, một cán bộ làm trong lĩnh vực ngân hàng, thì cho rằng mức tăng 500 đồng đối với mỗi lít xăng kể ra cũng không tác động nhiều đến nhu cầu đi lại của anh và các thành viên trong gia đình. Dù vậy, theo anh, cơ quan quản lý Nhà nước cần cân đối lợi ích giữa ba bên doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng, tức là kết hợp giữa tăng giá với giảm thuế nếu thị trường thế giới có biến động.
Phía Bộ Tài chính cho rằng lần điều chỉnh giá bán này đã được Liên bộ Tài chính - Công Thương cân nhắc rất kỹ giữa việc giảm thuế hay tăng giá trên cơ sở biến động của giá thế giới, lượng hàng tồn kho và các khoản lỗ lãi của doanh nghiệp. Từ nửa cuối tháng 3 đến nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới, đặc biệt là Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho doanh nghiệp VN, có xu hướng tăng. Đến cuối tháng 3, giá xăng A92 thành phẩm đã lên xấp xỉ 60 đôla một thùng, dầu diezel giao động ngưỡng dưới 64 đôla một thùng. Dầu hỏa chào bán với giá gần 63 USD một thùng, dầu mazut vào khoảng 272 USD một tấn. Còn dầu thô cũng lên tới trên 52 USD một thùng.
Như vậy với giá này thì kinh doanh xăng dầu bắt đầu lỗ. Cách đây 3 ngày, một số nhà nhập khẩu đầu mối đã đề xuất tăng giá bán đối với mặt hàng xăng và dầu. “Sau khi xem xét kỹ phương án giá và khả năng chấp nhận của thị trường, Liên bộ đã duyệt mức tăng 500 đồng cho mỗi lít xăng và giữ nguyên giá bán với các loại dầu”, một quan chức Bộ Tài chính nói.
Mặt hàng xăng từ lâu đã không được trợ giá và các doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán theo tín hiệu thị trường theo hướng lời ăn lỗ chịu.
Theo tính toán của một số nhà nhập khẩu đầu mối, chỉ trong 20 ngày cuối tháng 3, giá mỗi lít xăng A92 sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp lỗ gần 1.000 đồng một lít, các mặt hàng dầu lỗ khoảng từ 300 đồng đến 500 đồng một lít.
Như vậy, đây là đợt tăng giá xăng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay.
Hồng Anh - Kiên Cường
(Theo VnExpress)