Tập trung bình ổn giá

 
Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá đều cho biết đã chuẩn bị đủ và vượt kế hoạch lượng hàng bình ổn giá để bán trong dịp Tết 2011.
 

Quầy hàng bình ổn giá tại hệ thống siêu thị Co.opMart luôn thu hút khách hàng. Ảnh: HỒNG THÚY

 
Tăng nguồn hàng bình ổn giá
 
Đến thời điểm này, nhiều DN tham gia chương trình bình ổn giá đã chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào. Co.opMart được giao 10.000 tấn hàng phục vụ Tết nhưng thực tế đã chuẩn bị đến 30.000 tấn. Tương tự, Công ty Vissan được giao 2.250 tấn thịt heo, 900 tấn thực phẩm chế biến nhưng chuẩn bị đến 2.460 tấn thịt heo và 3.450 tấn thực phẩm chế biến; Công ty Thực phẩm Công nghệ được giao 1.000 tấn đường, 200 tấn dầu ăn nhưng đã chuẩn bị 2.250 tấn đường và 400 tấn dầu ăn; Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ được giao 525 tấn thịt gia cầm nhưng lượng chuẩn bị gấp đôi; Công ty Ba Huân được giao 13,5 triệu quả trứng gia cầm nhưng chuẩn bị 20 triệu quả; Công ty Thành Thành Công được giao 700 tấn đường nhưng chuẩn bị đến 8.000 tấn... Đến nay, nhiều mặt hàng tham gia bình ổn giá khác đều có lượng chuẩn bị nhiều hơn định mức từ 29% đến 76%, riêng hàng thực phẩm chế biến, lượng hàng chuẩn bị vượt kế hoạch 3 lần.
 
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết: Với lượng chuẩn bị dồi dào, hàng bình ổn giá sẽ chiếm khoảng 30% - 40% thị trường Tết năm nay. Từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN sẽ bán hàng ra thị trường theo đúng giá cam kết. Để đa dạng nguồn hàng, phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, Sở Công Thương đang khảo sát năng lực và quy mô chăn nuôi, sản xuất của một số DN để mời tham gia chương trình bình ổn giá của TP. Hiện tại, Tập đoàn Phú Cường và Công ty Phạm Tôn tuy không nhận tiền hỗ trợ của TP nhưng đã nhận tham gia chương trình bình ổn giá bằng hàng thủy hải sản và thịt gia cầm đến hết tháng 3-2010.
 
Trong đó, Tập đoàn Phú Cường cam kết cung ứng cho thị trường TPHCM 1.700 tấn/tháng gồm 8 nhóm mặt hàng thủy hải sản chế biến với giá thấp hơn thị trường từ 5% đến 10% và 50 mặt hàng thủy hải sản tươi sống, chế biến có giá thấp hơn thị trường 3% - 5%. Công ty Phạm Tôn cung cấp mỗi tháng 325 tấn thịt, trứng gia cầm thấp hơn giá thị trường 5% - 10%.
 
Đẩy mạnh phân phối, giám sát
 
Hiện nay, hàng bình ổn giá chỉ tập trung ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng DN tham gia bình ổn giá ở nội thành. Hàng bình ổn giá chưa vào chợ lẻ, khu dân cư, các khu vực tập trung nhiều người lao động như KCX – KCN. Vì vậy, chương trình này chưa phát huy được tối đa vai trò điều tiết giá. Theo bà Lê Ngọc Đào, để khắc phục tình trạng này, góp phần kéo giá tại các chợ xuống,  Sở Công Thương đã yêu cầu UBND các quận, huyện tìm mặt bằng còn trống ở các chợ, khu dân cư, hộ kinh doanh cá thể... để đưa hàng bình ổn giá đến. Đến nay, theo báo cáo sơ bộ, hiện có 56 chợ còn chỗ trống đến bố trí sạp bán hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị UBND quận, huyện và ban quản lý các chợ giảm giá cho thuê mặt bằng đối với những khu vực bán hàng bình ổn giá. Bên cạnh đó, Tết này, TPHCM sẽ đẩy mạnh bán hàng lưu động tại các KCX – KCN. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đề nghị ban quản lý các KCX – KCN tạo điều kiện để các DN tham gia bình ổn giá bán hàng vào các bếp ăn tập thể ở khu vực này. Từ nay đến cuối năm, TPHCM sẽ mở thêm 100 điểm bán đầy đủ 8 mặt hàng bình ổn giá (gạo – nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả).
 
Để đủ hàng, không xảy ra sốt giá dịp Tết, UBND TPHCM đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn găm hàng để tạo khan hiếm giả, nâng giá; ngăn chặn việc gom hàng bình ổn giá. Ngoài ra, Thanh tra Sở Tài chính đang tích cực thanh tra, kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá, nếu phát hiện nơi nào bán hàng không đúng giá cam kết sẽ xử phạt theo quy định.
 
Giá một số mặt hàng giảm nhẹ
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, trong tháng 11, giá nhiều mặt hàng trên thị trường từ gas, sắt thép, phân bón, xi măng đến những mặt hàng thiết yếu đều tăng so với tháng 10. Trong đó, một số loại gạo tăng 500 đồng - 1.000 đồng/kg; thịt heo tăng từ 2.000 đồng – 13.000 đồng/kg; một số loại cá biển tăng 1.000 đồng – 10.000 đồng/kg; dầu ăn tăng khoảng 5.000 đồng/lít; giá đường tăng 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg; giá một số loại rau củ tăng mạnh, có loại tăng gần gấp đôi so với trước và gấp đôi so với giá bán ở chợ đầu mối. Tuy vậy, trong tuần qua, giá một số mặt hàng thủy hải sản, rau củ tại các chợ đầu mối giảm nhẹ.
 

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, nếu chiếm 30% - 40%, hàng bình ổn giá sẽ chi phối và điều tiết, tạo sức lan tỏa để kéo giá thị trường xuống. Tuy nhiên, hiệu quả của việc bình ổn giá đạt đến mức nào còn tùy thuộc vào cách tổ chức phân phối hàng bình ổn giá của DN và trên hết là sự quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện chương trình bình ổn giá.   

Thanh Nhân

Giày Đại Phát solution
Số người online:
1872
Số người truy cập:
11952457